Trong khi nhiều game RPG hiện tự xây dựng hướng đi mới cho mình, một số
khác lại “xoay vòng” về những dạng trước đây trong khi cố gắng xây dựng
những hình tượng mới. Hãy chơi và đánh giá xem Avencast: Rise of the
Mage (Avencast) rơi vào trường hợp nào. >> Thông tin về game Phát triển: ClockStone Phát hành: Lighthouse Ngày phát hành: 30/10/2007 Thể loại: Nhập vai hành động ESRB: Teen Hệ máy: PC Ưu: • Các câu đố đòi hỏi tính trí tuệ cao
• Có nhiều cách phân bổ điểm cho phép thuật và chỉ số của nhân vật.
Khuyết: • Khó điều khiển nhân vật khi chưa quen
• Sử dụng phép thuật không thuận tiện.
Cấu hình tối thiểu: P4 2,2GHz; RAM 512MB; VGA NVIDIA GeForce 5700/ATI Radeon 9700; HDD 4,4GB; Windows XP/Vista; 1 DVD
Làm gì trong học viện?
Trong Avencast, bạn sẽ nhập vai một cậu pháp sư nhỏ tuổi đang theo học
tại Học viện pháp thuật Avencast. Cậu này chẳng quan tâm đến mấy môn
học pháp thuật nhàm chán, và ngủ say sưa trong lớp. Tất nhiên là chẳng
thầy giáo nào muốn có 1 học sinh vô kỷ luật đến thế. Đó là lý do tại
sao cậu phải rời lớp học, dấn thân vào một đợt huấn luyện thực tế, để
được phép tham dự bài thi cuối khóa...
Bắt đầu với việc chạy vòng quanh học viện, bạn bắt đầu gặp gỡ và giao
tiếp với những người hướng dẫn, và kiếm điểm đánh giá từ họ để nâng mức
“học lực” của mình. Những điều này cũng sẽ dạy cho bạn biết những đòn
tấn công cận chiến cơ bản, cũng như dạy cách sử dụng phép thuật để bạn
có thể lựa chọn con đường phù hợp cho mình.
Bạn sẽ nhận nhiều nhiệm vụ thử thách khá đa dạng, trong đó sẽ “dọn dẹp”
các khu vực đầy rẫy sâu bọ và quái vật. Tùy thuộc vào từng loại quái
vật trong những khu vực mở rộng của Học viện, chúng cũng sẽ sớm thách
thức bạn, bằng những hình thức tấn công từ xa trước khi tiếp cận bằng
những đòn cận chiến chí mạng. Trí thông minh nhân tạo của chúng cũng
khá tốt, “hiểu” được cách sử dụng các vật chắn để né đòn tấn công
(thông thường thì do sự di chuyển lộn xộn!), hoặc tấn công từ nhiều
hướng, sẵn sàng đuổi theo mục tiêu đến tận cùng trong phạm vi tầm nhìn
cho phép, chứ không bị lỗi “vướng góc cạnh” như Loki hay một số tựa
game nhập vai gần đây khác.
Pháp sư chiến đấu...
“Địch thủ” đầu tiên của các tân pháp sư là... điều khiển nhân vật theo
góc quay camera. Tuy có đến 3 kiểu điều khiển, nhưng không phải lúc nào
chúng cũng thuận tiện cho bạn – mà bạn phải tập làm quen để tự... thích
nghi. Gây khó khăn cùng với góc quay camera là cách nhấn vào mục tiêu:
bạn không thể chọn chính xác mục tiêu để ra đòn, mà chỉ có thể đánh về
hướng nào đó.
Là một pháp sư, hiển nhiên bạn sẽ không được trang bị tốt để đánh cận
chiến, dù một trong các dạng phép là chuyên đánh tầm gần với những đòn
tấn công cực mạnh bằng gậy phép, hoặc có thể dùng gậy để tấn công một
số quái vật yếu. Để thi triển phép thuật, bạn cần nhấn combo các tổ hợp
phím di chuyển kết hợp việc nhấn chuột đúng thời điểm (hơi rắc rối
đấy). Vừa di chuyển vừa đánh đòn combo dưới góc quay camera của game
khá khó chịu, nhất là khi bạn phải di chuyển liên tục tránh nhiều đòn
tấn công liên tiếp từ nhiều đối thủ. Một số đòn thế đặc biệt thì “bị
ép” ghép vào dãy phím tắt từ F1 đến F5, nhưng cũng chẳng giúp linh hoạt
hơn.
Trong chiến đấu, nhân vật của bạn cũng sẽ thể hiện được sự khéo léo do
có thể di chuyển nhanh lẹ, tránh các đòn phép “săn đuổi” của đối
phương. Sự nhanh lẹ này cũng sẽ làm thay đổi phương hướng và cách thức
tấn công của cả 2 bên, tất nhiên, cùng với việc sử dụng các vật chắn có
sẵn, sẽ góp phần làm tính “chiến thuật chạy chỗ” của game cao hơn, thay
vì chỉ biết đánh và đánh. Dĩ nhiên, nhanh chân đào thoát khỏi một cuộc
chiến hội đồng là vô cùng cần thiết, nếu bạn đang bị bao vây hoặc đã
gần hết máu.
Đánh đố
Nhìn dáng vẻ bên ngoài, Avencast là một game đã bị giới hạn. Bạn chỉ có
thể chọn một nhân vật và các tùy chọn để tùy biến không nhiều. Khi đó,
yếu tố thử thách gay go nhất không phải là những con trùm dai máu, mà
là những câu đố khá thú vị mà Avencast mang đến khá thú vị, đòi hỏi
phải biết cách điều khiển máy móc linh hoạt. Ví dụ, bạn sẽ tiếp cận với
hệ thống định vị ánh sáng, điều khiển các gương phản chiếu để sinh ra
năng lượng. Hay trước đó, bạn sẽ phải sử dụng các lò đốt để diệt 2 con
quái vật băng và lửa...
Thỉnh thoảng, bạn cũng sẽ bắt gặp những câu đố mẹo. Chẳng hạn có một
chiếc cầu bắc qua một miệng hố sâu, trong khi lời gợi ý “the eye is
strick...”. Thật ra cảnh mà bạn nhìn thấy là ảo ảnh, vì chiếc cầu kia
thì lại bị gãy đoạn giữa, trong khi miệng vực được che chắn an toàn bởi
một dàn lưới. Bên cạnh đó, khi lang thang trong các hầm mộ, bạn hãy chú
ý ghi nhớ tên của những người quá cố, nó sẽ giúp bạn vượt qua một số
cái bẫy chết người, trước khi tìm được những món đồ quý giá.
Dành cho lính mới
Avencast sẽ là một cuộc phiêu lưu vừa tầm dành cho những người mới bước
vào thế giới nhập vai hành động. Còn với các tay chơi sành sõi, thì chỉ
là đợt thử thách không đáng kể mà thôi.
Một số điểm lưu ý
Về mặt trang bị, Avencast có một hệ thống trang bị tự động so sánh các
chỉ số của cùng 1 món đồ. Nếu nhặt được một món đồ như trang phục (mũ,
áo, quần, cầu vai...) hoặc vũ khí, bạn chỉ cần nhấn hai phím C và I để
mở đồng thời cửa sổ nhân vật và cửa sổ hành trang, nhấn chuột phải lên
món đồ mới để so sánh các chỉ số và chọn lựa món đồ có tính năng phù
hợp hơn. Và chỉ cần thêm 1 cú nhấn chuột trái là món đồ tự động thay
thế. Rất tiện lợi.
Nếu bạn chết, nghĩa là sẽ bị “game over”, cho đến khi bạn load lại từ
một vị trí đã save trước đó. Đó là hướng mà đã có rất nhiều game thực
hiện như vậy. Do đó, điều cần thiết là phải save và save game thường
xuyên. Bạn có thể save game tại bất kỳ vị trí nào và bất kỳ vào thời
điểm nào khi đang thực hiện chuyến phiêu lưu. Bắt đầu một cảnh chơi –
save. Đánh bại đám quái vật đầu tiên – save. Nếu không save? Thì trong
trường hợp nhân vật chết, bạn sẽ phải “cắn răng” thực hiện lại các phần
đã chơi.
Hãy chú ý đến cấp độ của mình, học những phép thuật mạnh mới phù hợp
với cấp độ. Mặt khác, bạn cũng có thể dồn điểm vào Mana và Soul, đồng
thời chỉ học 1 phép tầm xa đánh lan duy nhất (như Wave of Power, phím
tắt là F1, và 2 phép nâng cấp của nó) để tạo sức sát thương mạnh và tác
động lên nhiều đối tượng cùng một lúc. Dĩ nhiên, nếu sơ ý để trúng đòn
nhiều thì nhân vật sẽ dễ chết vì lượng máu quá ít. Với cách xây dựng
nhân vật kiểu này, bạn sẽ cần trang bị đồ hỗ trợ tốc độ di chuyển (+
movement) để chạy nhanh hơn!
Đồ họa thì không có gì xuất sắc, nhưng nhìn chung vẫn đạt yêu cầu, và
điều quan trọng hơn cả là yêu cầu cấu hình máy tính không cao, ít bị
giật hình trong khi chơi. Các hiệu ứng ánh sáng của phép thuật, môi
trường và chuyển động của nhân vật ở vào mức đủ chấp nhận. Phần âm
thanh thì cũng chưa hấp dẫn người chơi. Mỗi khi nhân vật bị quái vật
“chú ý” đến, sẽ có một làn điệu “hùng hổ” vang lên báo động cho bạn
chuẩn bị. Chạy thôi!